Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Tập tành


Bé Ngọc Hân 13 tuổi đang đi học và lần đầu tiên làm mẫu tại khu du lịch Bình Qưới 2




NgocHan5.jpg

NgocHan3.jpg




NgocHan8.jpg

Và đây là chân dung cô mẫu khác




Tái nghiện

Hồi còn học mỹ thuật, nhớ lời thầy dặn đại ý : Là người họa sỹ thì chớ có phụ thuộc vào máy móc, thiết bị, vì những thứ đó nó giết chết cảm hứng sáng tạo và làm mình lười biếng. Thấy những thiết bị ghi hình là tôi cố ý lảng qua một bên ( mặc dù rất khoái) và lẩm nhẩm : "Máy ảnh là kẻ thù của hội họa ". Thế rồi tôi được anh bạn người Nga tặng cho cái máy ảnh hiệu Zenit chụp film đen trắng, body cũng khá hầm hố, với cái bao da dày dặn, bộ cơ cửa chập mỗi lần nhấn nút nghe như nơm úp cá...mạnh mẽ và male. Có máy rồi để sử dụng nó là cả vấn đề . Máy hồi đó đâu  tích hợp những tiến bộ kỹ thuật như bây giờ,  tất tật đều là vi tay, khẩu độ, tốc độ, độ nhạy film....vân vân & vân vân . Thế là đăng ký đi học Nhiếp ảnh căn bản 1, căn bản 2 ,3...Sẵn trớn học luôn khóa phòng tối với những chiêu thức : Thui, che, cắt cúp, phơi sáng , ghép hình ....khá thú vị. Nghề chơi cũng lắm công phu, nghèo như tôi thì đó thực sự là một vấn nạn. Học thì vậy song cũng không dám lạm dụng sợ cùn đi cảm giác của màu mè toe toét, cái hứng thú  vẩy cọ đập phá trên từng vuông toan .
Hồi ấy các cụ ở quê vào cái tuổi "hai năm mươi về già" trong nhà đã chuẩn bị sẵn cỗ áo quan gỗ tốt, chưa dùng tới thì đổ lúa gạo hay đồ đạc vào rồi đậy nắp để đấy, có khi được dùng như cái giường cái chõng, lên nước nhẵn bóng. Nếu cụ nào chưa có một bức truyền thần chân dung thì vẫn bị cái sự thấp thỏm vẫn ngày đêm đeo bám . Với quan niệm ăn chắc mặc bền , bức vẽ trắng đen bằng mực đen hạt cải  của Tàu trên loại giấy Canson của France chính hãng, Đông tây kết hợp mà gặp được tay thợ vẽ có tâm có tài thổi hồn vào bức truyền thần thì kể như trên bàn thờ các cụ sẽ luôn bên con cháu truyền đời. Chả như thời nay ba cái anh Digital mì ăn liền ảnh ra cái nào cái nấy sắc màu long lanh, ngự trên bàn thờ qua mấy mùa mây mù gió bấc các cụ đã trở lên nhợt nhạt, biến sắc, có khi hình ảnh cũng thăng hoa theo các cụ về nơi tiên cảnh.
Trở lại với cái Zenit, nó cũng có cơ hội thể hiện, hầu như ngày nào cũng có người đặt vẽ chân dung, nhận được yêu cầu, nó lại cùng tôi giáp mặt đối tác. Sau mấy tiếng "nơm úp cá" vang lên ấn tượng ở vùng quê yên ả, khách hàng có thể yên tâm, một vài tuần sau hình ảnh của họ sẽ được chuyển thể và lưu danh hậu thế. Vấn đề tài chính rất linh động, ai dư dả thì tiền tươi, ông bà nào kẹt cứ việc mang hình về đợt đến mùa vài thùng thóc mang tới là hình thức thanh toán cũng thường được chấp nhận.
Cuộc sống vận động theo quy luật lộn tùng phèo, sàng xê đảo qua đảo lại, sau vài lần dịch chuyển vào Nam ra Bắc với mớ cọ vẽ, tôi bôi trét lên đủ thứ phông nền với mục đích lấp đầy cái bao tử và huyễn hoặc rằng mình đang dấn thân trên con đường tìm tòi khám phá trường phái thể loại này nọ.
Hóa ra cái máy ảnh Zenit là một vật kềnh càng đối với một kẻ hay xê dịch như tôi, với một ít nuối tiếc tôi đem cái vật mà người bạn Nga tặng tôi năm nào tặng lại cho chú em đang tại ngũ trong một dịp nó về phép. Sau này chú em bảo đã làm mất  trong một lần chuyển đơn vị .
Vất vả trong nồi sup cơm áo gạo tiền, vợ con, thầy thợ, tôi quên mất những người bạn Liên Xô ngày xưa quên con Zenit với tiếng "choạch" rõ to mỗi lần nhấn nút, và quên luôn mớ kiến thức nhiếp ảnh cơ bản 1,2,3...
Rồi một ngày ( không nhớ rõ ngày nào) khi tham gia diễn đàn xem những tấm hình của các thành viên post lên, ngắm nghía những khoảng khắc người ta chụp được trong tích tắc, nó thật sống động và ý nghĩa. Vậy là tôi quyết định phá bỏ nguyên tắc : "máy ảnh là kẻ thù của hội họa" . Chợt ngộ ra mình là thằng bảo thủ.
Tham khảo ý kiến ông bạn già XicloV6, ra ngay shop Khánh Long tậu luôn một con Nikon D90.
Có lẽ tôi đã "tái nghiện" dù có hơi trễ.