Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Giá trị của nghệ thuật

Tại sao hoạ sĩ vẽ?
Vì sao có những người lao vào các hoạt động trừu tượng chẳng phải để kiếm tiền, cũng chẳng phải vì danh?
Cái gì khiến nghệ thuật cuốn hút chúng ta? Giá trị của nghệ thuật nằm ở đâu?
Hội hoạ ra đời trước khi loài người có chữ viết hàng chục ngàn năm. Người ta đã tìm thấy các bức hoạ được vẽ cách đây tới 35-40 ngàn năm trong các hang động tại châu Âu và Úc, trong khi chữ viết xuất hiện khoảng 3500–4000 năm về trước. Cho dù nghệ thuật đã trải qua bao cuộc bể dâu, luôn có một sợi dây vô hình nối liền các hoạ sĩ từ thời tiền sử, cổ đại, trung cố, Phục Hưng, tới hiện đại, và đương đại. Sợi dây đó là: Nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ thuật để biểu hiện chính họ, biểu hiện những gì họ cho là quan trọng, có ý nghĩa nhất, phản ánh các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chính họ. Trong chúng ta, một số người có một sự bức thiết cần biểu hiện nội tâm qua việc tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Họ có phải là những người khác thường không? Đối với một số người trong số họ, câu trả lời là có. Bởi lẽ, để biểu hiện được chính mình một cách thuyết phục, trước hết là đối với chính họ, họ cần được Trời phú cho một khả năng đặc biệt gọi là Tài năng.
Trong  lời tựa cho cuốn tiểu thuyết " Chân dung Dorian Gray"cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình, Oscar Wilde viết: “Cái cớ duy nhất để làm ra một vật vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó sâu sắc. Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng.”
Năm 1891 Bernulf Clegg, một sinh viên đại học Oxford, đã gửi thư đề nghị Oscar Widle giải thích. Trong thư trả lời, Wilde đã viết như sau (trích):
“Nghệ thuật là vô dụng bởi mục đích của nó đơn giản là chỉ nhằm tạo nên một tâm trạng. Nó không nhằm để chỉ dẫn hay tạo ảnh hưởng lên hành động theo bất cứ một kiểu gì (...) Nếu việc thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật lại được nối tiếp bởi một hành động dưới bất cứ hình thức nào, thì hoặc đó chỉ là một tác phẩm rất thứ cấp, hoặc người xem không cảm nhận được toàn bộ ấn tượng nghệ thuật của nó. Một tác phẩm nghệ thuật cũng vô dụng như một đóa hoa. Đoá hoa nở cho niềm sung sướng của chính nó. Chúng ta có được một khoảnh khắc sung sướng khi ngắm hoa nở. Đó là tất cả những gì có thể nói về quan hệ giữa chúng ta và hoa. Tất nhiên, người ta có thể đem hoa đi bán và thu lợi cho mình, nhưng việc đó chẳng dính dáng gì đến hoa cả. Đó không phải là một phần của bản chất của loài hoa. Đó là một sự tình cờ. Đó là một sự lạm dụng.”
Thực chất, Oscar Wilde đã diễn giải lại quan điểm về nghệ thuật tuyệt đối cuả Kant. Kant cho rằng cái Đẹp là cái gì đó không có bất kỳ một chức năng nào khác ngoài chức năng làm cái Đẹp. Khi đó một vật thể thể sẽ trở thành thuần túy là một vật thể, hiện ra hoàn toàn chỉ vì nó đẹp chứ không vì bất cứ công dụng nào khác. Như vậy nghệ thuật theo Kant là một cách biểu diễn đẹp của một hình thức, thông qua đó nghệ sĩ mặc sức tưởng tượng để liên tục mở rộng quan niệm về chính cái Đẹp. Điều đó có nghĩa là nghệ thuật đã đi ra ngoài thế giới của lý trí, và cái Đẹp là điều ta không thể cắt nghĩa được.
“Vô dụng” (useless) ở đây không đồng nghĩa với “vô giá trị” (having no value). Từ “Nghệ thuật” (Art) trong nhận định “Nghệ thuật là vô dụng” (Art is useless) được dùng để chỉ “nghệ thuật sáng tạo” (creative art) hay “fine art” (mỹ thuật), tạm gọi là “nghệ thuật thuần túy” hay “nghệ thuật tuyệt đối”, ở đó nghệ sĩ dùng tài nghệ và kỹ năng để biểu hiện sáng tạo của mình. Khi xem tác phẩm do nghệ sĩ sáng tạo ra như vậy, công chúng có các rung động thẩm mỹ. Và đó là tất cả. Bởi nếu nghệ sỹ dùng tài năng của mình để làm nên một vật có chức năng nào khác ngoài sự rung động thẩm mỹ (ví dụ như một cái bình để cắm hoa, một cái ghế để ngồi, v.v., tức có một công dụng nào đó) thì ngay lập tức vật đó sẽ thuộc về đồ mỹ nghệ (craft) chứ không còn là mỹ thuật thuần túy nữa. Tương tự như vậy, nếu tài năng của nghệ sĩ được áp dụng vào quảng cáo thương mại hay kỹ nghệ thì nghệ thuật thuần túy trở thành “thiết kế” (design) hay được gọi chung là “nghệ thuật ứng dụng” (applied art). Nói tóm lại, nghệ thuật trong nhận định “Nghệ thuật là vô dụng” không có chức năng nào khác ngoài việc truyền đạt một ý tưởng.
Trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương năm 1972, bình luận về lời tiên tri của Fyodor Dostoevsky “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”, Alexandr Solzhenitsyn đã phát biểu như sau:
“Nắm giữ Nghệ thuật trong tay, chúng ta tự cho rằng mình là chủ nhân của nó, hùng hổ điều khiển nó, đổi mới nó, cải cách nó, tuyên ngôn nó, bán nó lấy tiền, dùng nó để bợ đỡ những kẻ mạnh, coi nó hoặc như trò tiêu khiển trong các ca khúc thị trường, nơi tửu quán, như hòn đá hay cái gậy, bất kể cái gì tóm được, để phục vụ các đòi hỏi chính trị thoảng qua, hay các nhu cầu xã hội hạn hẹp. Nhưng, mặc cho mọi dày vò của chúng ta, Nghệ thuật vẫn không bị vấy bẩn, vẫn không vì thế mà đánh mất đi nguồn gốc của mình, vẫn luôn luôn, và trong mọi cách chúng ta dùng nó, rọi chiếu lên chúng ta một phần cái ánh sáng bí mật bên trong của nó (...) ̣Nghệ thuật hé mở cho chúng ta, tuy lờ mờ, tuy ngắn ngủi, những điều không thể nào đạt được bằng lý trí. Như chiếc gương thần trong truyện cổ tích, nhìn vào nó ta không thấy chính mình mà chợt thấy một khoảnh khắc ta chẳng khi nào đạt tới, phóng tới, bay tới được. Và chỉ có tâm hồn đang thổn thức.”
Giá trị của nghệ thuật là như vậy.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Graffiti có thể thành một nền công nghiệp trên đất Mỹ ?

Grafiti - Nghệ thuật vẽ tranh đường phố - hiện hữu trên khắp các nẻo đường tại Los Angeles. Có vẻ như, nghệ thuật này đang có xu hướng hình thành một nền công nghiệp...


Graffiti ở khắp mọi nơi!

Nghệ thuật tranh đường phố đã đi một chặng đường dài, từ những nhóm vẽ đơn lẻ ở những ga tàu điện ngầm New York, thập niên 70, 80 đến những bức tường rộng lớn ở trung tâm thành phố Los Angeles. Chủ đề của tranh tường rất phong phú, từ khoa học viễn tưởng đến những vấn đề chính trị, xã hội, văn hoá. Phần lớn những bức vẽ chịu ảnh hưởng của thể loại truyện tranh, với việc phóng đại kích cỡ nhân vật và màu sắc rực rỡ. Một số người coi những bức graffiti là chướng mắt, nhưng đối với nhiều người khác, nó lại là một kiệt tác.

Anh Anthony Lister ở NewYork, Mỹ cho biết: “Đường phố giống như những bức chụp kỹ thuật số, nó thể hiện những mối giao tiếp với cộng đồng và rất nhiều ý tưởng được thể hiện tại đây”.
Hiện nay, những bức tranh tường cổ xưa vẫn được lưu giữ ở phế thành Pompei hay trong các hầm mộ ở thủ đô Roma, Italia. Chỉ có điều, thời đó chúng không được tô vẽ bằng sơn xịt nhiều màu sắc như bây giờ mà đơn thuần là những ký hiệu hay hình vẽ đơn giản.
Anh Seraph, một nghệ sĩ Graffiti ở Los Angeles, Mỹ nói: “Nghệ thuật graffiti có nguồn gốc hình thành từ nền văn minh cổ đại. Các bạn cứ nhìn những ký tự, bức vẽ trên Kim tự tháp ở Ai Cập, hay những bức vẽ từ nền văn minh Hi Lạp, Aztecs, mọi thứ giống như nghệ thuật graffiti”.
Sự phát triển của nghệ thuật tranh tường graffiti kéo theo việc bùng nổ kinh doanh hộp phun sơn. Cửa hàng Montana là một trong những cửa hàng lớn nhất của Mỹ cung chấp những chất liệu phục vụ cho graffiti. Theo anh Stibble, chủ cửa hàng này, nghệ thuật đường phố đã phát triển ra ngoài tầm kiểm soát bởi trí tưởng tượng của các nghệ sỹ trong lĩnh vực này là rất lớn.
“Qua thời gian, graffiti đã qua những bước tiến hoá, từ những ga tàu điện ngầm, nó đã đến với những bức tường ở Los Angeles và mọi người đang cổ vũ cho nó”, anh Matthew Stibbe cho biết.


Los Angeles có riêng một phòng tranh lưu giữ những tác phẩm đường phố trên vải. Những nghệ sỹ của phòng tranh đã sưu tập những bức vẽ graffiti được giấu tên để lưu giữ và tái tạo lại chúng. Những bức vẽ cũng được dùng để bán giống như những hình thức hội hoạ khác.
Anh Iskander Lemseffer, Phòng tranh LAB, Los Angeles, Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi muốn là đưa nghệ thuật đường phố vào trong lịch sử phát triển nghệ thuật của Mỹ. Bởi rất có thể, những bức vẽ này sẽ bị xoá đi. Vậy tại sao lại không lưu lại những bức vẽ đầy ý nghĩa xã hội như thế? Chính vì vậy, chúng tôi muốn lưu lại trên vải hoặc trên gỗ, để chúng có thể sống mãi mãi”.

Hiện tại, phòng tranh LAB đang là nơi cam kết cho sự phát triển của nghệ thuật vẽ tranh đường phố với khoảng 6.500 m2 tranh, cùng 300 tác phẩm grafiti của 50 nghệ sỹ. Văn hóa đương đại là chủ đề lớn trong những tác phẩm, trong đó những khuôn mặt nổi tiếng được khắc hoạ như Kanye West, Jay-Z, hay danh hoạ Andy Warhol..
Rachel Joltson của Phòng tranh LAB, Los Angeles, Mỹ nói: “Nghệ thuật này đã đi vào trong xã hội từng bước, từng bước một, có khi nó phê phán những khía cạnh không công bằng trong xã hội, và đây là ý nghĩa đích thực, khiến graffiti dần chinh phục được công chúng”.
Theo Roger Gastman, tác giả của cuốn “Lịch sử phát triển graffiti”, bản chất của nghệ thuật graffiti là bất hợp pháp, vì thế mà những bức vẽ được vẽ một cách bí mật.
Thỏa sức sáng tạo nghệ thuật một cách hợp pháp!

Roger Gastman cho biết: “Sự tồn tại của một tác phẩm graffiti giữa thanh thiên bạch nhật là không thể chấp nhận được đối với những người có con mắt nghi ngại văn hóa hip-hop nhưng những nhà thẩm mỹ học khó tính nhất cũng phải khâm phục tài năng và sự sáng tạo của không ít tác phẩm graffiti”.
Các nhà xã hội học lại nhìn nhận cơn sốt graffiti dưới một góc độ khác. Theo họ, ít nhất đó cũng là thứ văn hóa phản ánh những suy nghĩ của giới trẻ thành thị. Tuy nhiên, vẫn chưa có quốc gia nào công nhận graffiti là loại nghệ thuật hợp pháp.

Tài liệu ST. Net