Vừa rồi mình có trình diễn thử nghiệm loại hình nghệ thuật Vẽ tranh trên cát. Tuy còn nhiều vấn đề nhưng may mắn đã nhận được sự quan tâm từ phía khán giả và một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tin như Báo Doanh nhân Sài gòn , Tạp chí Xe và Đời sống, dưới đây là bài đăng trên Tuần san Thanh niên Online về đề tài trên
Ấn tượng tranh cát động
26/08/2011 8:40
Dù chỉ tồn tại trong khoảnh khắc nhưng những bức tranh cát động luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.
Có lẽ sự xuất hiện của nghệ sĩ Kseniya Simonova trong cuộc thi tìm kiếm tài năng Ukraine's Got Talent năm 2009 với những bức tranh cát lay động lòng người đã khiến trào lưu vẽ tranh cát động tại VN nhân rộng. Đầu năm 2010, trong chương trình Duyên Dáng VN lần thứ 21, nghệ sĩ rối Trí Đức lần đầu tiên mang đến cho khán giả một loại hình nghệ thuật mới - trình diễn nghệ thuật tranh cát động. Sau những giây phút hồi hộp và căng thẳng, Trí Đức đã thở phào nhẹ nhõm khi nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng từ phía khán giả. Điều này cho thấy nghệ thuật tranh cát đã để lại ấn tượng lạ lẫm, thú vị và đầy thán phục nơi người xem.
Họa sĩ Thế Nhân trình diễn tác phẩm của mình - Ảnh: Trí Quang |
Mới đây, trong dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập diễn đàn xe hơi vietcaravan, trước gần 300 khách dự khán, màn trình diễn tranh cát động của họa sĩ Nguyễn Thế Nhân (một trong những thành viên sáng lập diễn đàn) đã cuốn hút đến mức nhiều khán giả bỏ ghế lên đứng chật cứng trên sân khấu để được “mục sở thị” loại hình nghệ thuật mới mẻ này. Với nội dung ca ngợi Tổ quốc VN, những hình ảnh như anh bộ đội hải quân đứng gác, đôi chim bồ câu tung cánh… lần lượt hiện ra dưới hai bàn tay khéo léo lướt đều trên mặt cát, cùng với âm nhạc hào hùng, kỹ thuật đèn chiếu mang đến những hiệu ứng ánh sáng xanh của biển, màu đỏ của cờ gây xúc động mạnh nơi người xem.
Ít ai biết rằng đây là buổi biểu diễn đầu tiên của họa sĩ Thế Nhân. Anh chia sẻ, việc đến với loại hình tranh cát động chỉ là để giải trí, góp vui trong những dịp họp mặt bạn bè. Hiện ở VN chưa có trường lớp nào chính thức đào tạo nghệ thuật tranh cát động nên anh phải tự học, mày mò trên các tư liệu nước ngoài, ngay cả đạo cụ biểu diễn cũng do anh tự làm. Mất 3 - 4 ngày để anh tự thiết kế, dàn màu và thử ánh sáng từ các chất liệu nhôm inox định hình, đèn tuýp nhiều màu. Biết từ TP.HCM tới nơi biểu diễn phải đi bằng xe hơi nên anh không thể lắp bàn kính theo tiêu chuẩn mà phải thay bằng bàn mica để dễ vận chuyển. Tuy nhiên, sau khi vượt hơn 50 km đường địa hình, mặt bàn đã bị cong do nóng. Thành ra, đến giờ biểu diễn, thay vì chỉ gạt cát một lần để thay đổi hình ảnh thì anh phải thực hiện thao tác này nhiều lần.
“Trình diễn tranh cát phụ thuộc vào cảm hứng của người nghệ sĩ - họa sĩ Thế Nhân nhấn mạnh - giống như chơi nhạc jazz, tùy theo cảm hứng của người chơi lúc đó mà các tác phẩm được sáng tạo nên không lúc nào giống lúc nào. Nghệ thuật này như sự hôn phối của họa và nhạc. Nghệ sĩ vẽ tranh cát động khác với người cầm cọ nhúng trên mặt toan, vẽ tranh tĩnh bạn có thể vẽ trong nhiều ngày và gạn lọc ý tưởng, còn đối với tranh động thì chỉ là vẻ đẹp tồn tại trong khoảnh khắc như một cơn mưa, cảm hứng sáng tạo biến đổi tức thời”.
Du Miên