Từ Bi Hồng (Hsu Pei Hung) 1895-1953
Sinh trưởng trong một gia đình làm nghề nông, ở trấn Kỷ Đình Kiều, huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Thân phụ của Ông là cụ Từ Đạt Chương, một họa gia dân gian khá nổi tiếng nhưng "lỡ vận" và mẹ là một thôn nữ đảm đang, hiền dịu. Gia đình Từ Bi Hồng có 6 anh chị em và ông là con trai trưởng. Nhờ thừa hưởng "gen hội họa" của cụ Từ Đạt Chương nên ngay từ thuở niên thiếu, Từ Bi Hồng đã được thân phụ truyền dạy về thư pháp, họa pháp, họa luận và cả kỹ thuật vẽ thủy mặc, hoa điểu, chân dung, tĩnh vật… Tuy nhiên, do gia cảnh bần hàn nên từ nhỏ Từ Bi Hồng đã phải sống một cuộc sống lam lũ, vất vả. Mới khoảng 6 tuổi, cậu bé họ Từ đã phải phụ giúp cha chép tranh, vẽ tranh chân dung, tranh phong cảnh để bán kiếm tiền đỡ đần gia đình. Thậm chí, Từ còn phải theo cha đi xa để làm nghề khắc dấu, viết câu đối thuê và vẽ tranh thờ cúng… Vì vậy, mới hơn 10 tuổi nhưng Từ đã tỏ ra tinh thông về Lục pháp luận của Tạ Hách, Lục yếu - Lục trường của Lưu Đạo Thuần và kỹ năng, kỹ thuật của hội họa truyền thống Trung Hoa. Chính những ngày theo cha đi vẽ thuê, vẽ mướn, Từ đã được tiếp cận, tìm hiểu về nghệ thuật phương Tây. Nhận thấy sự khác lạ giữa nghệ thuật Trung Hoa với nghệ thuật phương Tây, Từ tìm đến Thượng Hải để có thể vừa làm, vừa học. Nhưng, dự định của Từ bất thành vì thân phụ đột ngột qua đời. Ông đành phải trở về quê nhà mở lớp dạy vẽ, kiếm tiền giúp mẹ nuôi dạy các em. Song, Từ Bi Hồng vẫn âm thầm rèn luyện, "nuôi chí lớn". Năm 1916, Từ "lều chõng" và thi đậu vào trường Đại học Mỹ thuật Chấn Đán (Thượng Hải). Năm ấy, Từ tròn 21 tuổi. Xuất thân trong một gia đình nghèo khó nên ngay cả khi đã trở thành sinh viên Từ Bi Hồng vẫn phải vừa đi vẽ thuê, vừa học tập, nghiên cứu. Xác định Paris là "Kinh đô nghệ thuật" nên Từ quyết tâm học thêm tiếng Pháp để có thể được đi du học. Năm 1919, nguyện ước của Từ Bi Hồng trở thành hiện thực. Ông được qua Paris du học. Từ cũng tìm cách sang nhiều quốc gia như Italia Thụy Sỹ, Bỉ, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản và cả một số nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia… để nghiên cứu, học hỏi tinh hoa nghệ thuật của nhân loại. Năm 1927, sau thời gian dài du học ở hải ngoại. Từ Bi Hồng về nước và trở thành giáo sư của nhiều trường Đại học Mỹ thuật, học viện nghệ thuật và là Viện trưởng Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh. Năm 1949, Trung Hoa giải phóng, Từ Bi Hồng được cử làm Viện trưởng Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh cho đến khi từ trần (1953). Ngựa trong tranh của Từ Bi Hồng vô cùng đặc sắc. Có thể nói Từ Bi Hồng là người đầu tiên vẽ phía sau của ngựa, lấy... mông ngựa làm tâm điểm trực diện của bức tranh. Trước đó các bậc tiền bối dù nổi tiếng về tài vẽ ngựa đến mức nào cũng không ai "lỡ" thử vẽ ngựa trong tư thế đó. Do đó, ông sớm nổi tiếng ngay từ hồi còn trẻ vì những bức hoạ có một không hai này. Vì vậy, Từ Bi Hồng được biết đến như một nhà kỳ tài về vẽ ngựa. Lý do thật đơn giản. Là con trong một gia đình địa chủ với hàng nghìn con ngựa quanh nhà, Từ Bi Hồng sớm hình thành sở thích ngắm ngựa. Và thật lạ lùng, ông có cảm giác: sức sống của con ngựa từ phía sau được thể hiện một cách rõ nét nhất. Thế là ông chỉ chuyên tâm tìm cách lột tả sức sống, vẻ đẹp của con ngựa từ phía sau của nó. Những bức tranh của Từ Bi Hồng dù lột tả ngựa ở dáng nào, tư thế nào đi nữa thì chúng cũng không bao giờ trong tư thế tĩnh, mà luôn chủ động ngoái nhìn hay đầy tràn căng sức bật. Đó là nét độc đáo và xuất sắc trong tranh của ông. Cuộc gặp gỡ định mệnh: Một lần Từ Bi Hồng đi ngang qua cánh đồng, thấy một nhân vật chăm chú vẽ những con tôm đang oằn mình giữa khoảng ruộng trước mặt. Từ Bi Hồng tò mò đến xem thử thì "bàng hoàng" nhận ra đây là một bậc kỳ tài bởi bức hoạ của ông quá đẹp. Sau đó Từ Bi Hồng kết bạn với người "hoạ sĩ vô danh" này. Và rồi cả hai người bạn trở thành một trong những nhà danh hoạ cận đại hàng đầu của Trung Quốc. Năm 1949, ông trở thành Hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh với người trợ lý đắc lực là nhà danh họa Tề Bạch Thạch.
Với kiến thức đông - tây - kim - cổ, cùng với Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng là 1 trong 2 danh họa vĩ đại nhất của Trung Hoa thế kỷ XX và là một trong những danh họa lớn của thế giới. Nếu Tề Bạch Thạch nổi tiếng với biệt tài vẽ tôm thì Từ Bi Hồng được cả thế giới biết về biệt tài vẽ ngựa. Mặc dù lịch sử nghệ thuật Trung Hoa đã từng có những họa gia vẽ ngựa "một thời vang bóng" như Hàn Cán (đời Đường), Lý Công Luân (đời Tống), song ngựa trong tranh Từ Bi Hồng vẫn có nét độc đáo riêng và có phần "sống" hơn. Nhờ tiếp thu phương pháp hình họa của phương Tây, Từ Bi Hồng có điều kiện ký họa, nghiên cứu sâu về đặc điểm, cấu trúc, giải phẫu, hình dáng của loài ngựa. Ông đã vẽ rất nhiều về ngựa với đủ loại: độc mã, song mã, tam-tứ mã và cả bầy ngựa tung bờm, tung vó, phi nước đại… cực kỳ sinh động. Không những thế, Từ Bi Hồng còn thể nghiệm và thực hiện nhiều bút pháp, chất liệu: thủy mặc, thư pháp, ký họa, bạch miêu, tốc họa, hý họa, sơn dầu… với đủ các thể tài, thể loại, như: tùng - bách, trúc - mai, hoa - điểu, phong cảnh, chân dung lãnh tụ, danh nhân, anh hùng, công nhân, nông dân, binh sĩ, nhân vật lịch sử, thần thoại và vô vàn tranh vẽ về chim, thú: gà, ngỗng, chim ưng, trâu, hổ, gấu, sư tử…
Từ Bi Hồng là danh họa đầu tiên có công chấn hưng nền nghệ thuật Trung Hoa đương đại. Đó là việc Từ Bi Hồng đã dung hòa 2 dòng nghệ thuật Đông - Tây, tạo cho nền nghệ thuật Trung Hoa hiện đại một "hơi thở mới". Là một đạo sư danh tiếng của Hội nghiên cứu Họa pháp dân tộc - trường Đại học Bắc Kinh, Từ Bi Hồng đã dung hợp phương pháp tạo hình của hội họa cổ điển châu Âu với lối ước lệ của nghệ thuật truyền thống Trung Hoa. Đồng thời, ông đã vận dụng kỹ thuật, phương pháp hình họa, lối tả thực vào quốc họa và là người đầu tiên "Trung Hoa hóa" nghệ thuật sơn dầu. Bên cạnh những tranh vẽ ngựa, Từ Bi Hồng còn để lại cho hậu thế vô vàn tác phẩm trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Cửu Phương Cao, Điền hoành ngũ bách sỹ, Ngu Công dời núi, Sư tử vươn mình, Chân dung Tagor, Chân dung Thánh Gandhi… Riêng về lĩnh vực giáo dục và học thuật, Từ Bi Hồng đã có công đào tạo nên nhiều thế hệ họa sỹ, nghệ sỹ cho Trung Hoa và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như: Phương pháp cách tân quốc họa, Phục hưng nghệ thuật Trung Hoa… Mặt khác, ông còn xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tổ chức và giáo trình nghệ thuật Trung Hoa đương thời. Không chỉ là một đại danh họa, Từ Bi Hồng còn là một nhà yêu nước, nhà hoạt động xã hội nhiệt thành và là một nhà giáo dục xuất sắc của Trung Hoa và thế giới. Ông từng là đồng chí và có quan hệ gần gũi, mật thiết với những nhà tư tưởng tiến bộ như: Khang Hữu Vi, Gandhi, Lỗ Tấn, Tagor… Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập, Từ Bi Hồng được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Mỹ thuật gia Trung Hoa. Tiếp đó, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội và là đại biểu của nước CHND Trung Hoa đi dự Đại hội Hòa bình Thế giới lần thứ nhất. Chính vì vậy, Từ Bi Hồng được tôn vinh là nhà cách mạng nghệ thuật kiệt xuất và là danh họa vẽ ngựa số I.
Với những công lao đóng góp cho cách mạng và nghệ thuật, khi qua đời, thi hài của danh họa Từ Bi Hồng được mai táng tại Nghĩa trang Công mộ liệt sĩ cách mạng ở Bát Bảo Sơn (Bắc Kinh). Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày đại danh họa Từ Bi Hồng đi xa, song tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi trong trái tim của hàng triệu người yêu nghệ thuật. Và, cho đên nay, Từ Bi Hồng vẫn là danh họa vẽ ngựa số I của thế giới.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, tầm ảnh hưởng của Từ Bi Hồng đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Hiện nay, tranh của ông vẫn gây tiếng vang cả ở trong lẫn ngoài nước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã comment. Rất mong sẽ nhận được nhiều đóng góp cho blog của chúng tôi !