Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Bùi Xuân Phái

Bùi Xuân Phái là một cái tên thuộc hàng kinh điển của nền Mỹ thuật Việt Nam. Những đóng góp của ông cho nền Mỹ thuật nước nhà, đặc biệt là thương hiệu "Phố Phái" sẽ còn sống mãi với thời gian


Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại Hà Nội, làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hà Tây, tỉnh Hà Đông, một làng nổi tiếng với tranh khắc gỗ dân gian Kim Hoàng.

Ông xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản trung lưu nhà ở phố Hàng Thiếc, sau chuyển về 87 Hàng Bút nay gọi là phố Thuốc Bắc. Chính vì vậy mà ông đã thuộc lòng từng con đường, ngõ ngách của 36 phố phường Hà Nội.

Thủa nhỏ, ông học Trường Trí Tri ở phố Hàng Quạt, có năng khiếu về môn văn, và rất thích vẽ. ở tuổi học sinh ông đã được báo “Cậu ấm Cô chiêu” đặt vẽ tranh vui thường kỳ…

Bùi Xuân Phái qua đời năm 1988 bởi căn bệnh ung thư phổi. Sinh thời, ông được xem là người mang đậm phong cách của người Hà Nội. Các bức chân dung Bùi Xuân Phái còn lại hiện nay cho ta thấy, đó là một người đàn ông có gương mặt gầy gầy, có phần khắc khổ nhưng vẫn toát lên nét quý phái.

Đã có lần người ta thử đặt câu hỏi rằng: nếu hội họa Việt Nam vắng đi gương mặt Bùi Xuân Phái? Câu trả lời là không thể được ! Sẽ có một khoảng trống rất lớn không sao bù đắp nổi. Bùi Xuân Phái được coi là họa sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất ở nước ngoài đã đành, song đấy mới chỉ là một phần. 

Nền mỹ thuật có thể thiếu đi một tên tuổi, nhưng không thể thiếu đi những tác phẩm vào loại đẹp nhất, phản ánh sâu xa nhất tinh thần dân tộc Việt – những phố cổ, chèo, chân dung… – chỉ Bùi Xuân Phái mới vẽ ra được. Đó là những tác phẩm của một thời, một thủa, vừa mới gần đây mà như đã rất xa và có lẽ sẽ không quay lại được.


Phái Phố


Vào thập niên 70, khi người Hà Nội chợt nhận ra rằng đã từ lâu có một "Phố Phái" hiện hữu, đầy ắp trong lòng thành phố của mình, cho đến bây giờ người ta mới hiểu Bùi Xuân Phái đã "như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ" (Thái Bá Vân), người ta mới nhận ra tầm vóc của ông. 

Tuy nhiên, khi còn là học sinh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Bùi Xuân Phái đã vẽ phố và đã đi dự triển lãm ở Tô-ki-ô, đã nhận giải thưởng Triễn lãm Mỹ thuật loàn quốc năm 1946.

Ngoài Giải thưởng Hồ Chí Minh lớn lao dành cho cả cuộc đời sáng tác của mình, Bùi Xuân Phái đã từng nhận nhiều giải thưởng khác (Mỹ thuật toàn quốc 1980; Mỹ thuật Thủ đô 1969, 1981, 1983, 1984; Giải thưởng đồ họa Leipzig…).

Song sự ghi nhận lớn nhất mà ông giành được thì không chỉ ở các giải thưởng, mà ở một cái tên cả nước Việt Nam đều biết. cái tên "Phố Phái".


Mỗi con đường, mỗi phố đều mang tên một danh nhân, còn những phố, đường mang tên "Phố Phái" thì nhiều không ai đếm được. Nó tồn lại trong hoài niệm của rất nhiều người, dù thành phố đổi thay bao nhiêu, những nơi gợi lại bóng hình "Phố Phái" vẫn là nơi chứa chan nhiều cảm xúc.

Suốt hơn 40 năm, Bùi Xuân Phái dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Ông sống chỉ để vẽ, ông "mắc bệnh" vẽ, vẽ vào bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào có thể vẽ được. Vẽ với ông là sống và thở.

Từ một tấm toan đến một mảnh giấy báo, từ một bìa sách đến một vỏ bao thuốc lá… ông tạo nên hàng nghìn bức vẽ khác nhau về phố cổ – Những tranh phố của ông đủ để dựng một thành phố thật, thân thiết với những Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chĩnh, Hàng Rươi, nhưng là một thành phố của kí ức bâng khuâng đến từng mảng tường vôi lở, từng mái ngói rêu phong đổ bóng thời gian và bao nhiêu ô cửa nhỏ đăm đắm đợi chờ.

Cả đến những áng mây trắng ngần trĩu nặng niềm ưu tư thanh khiết, và những cột điện đầu ngõ xiêu vẹo mong manh… Tất cả đều để gợi nhớ chứ không để tả. Một bút pháp vừa thực vừa hư, gây ấn tượng một cách sâu sắc, nó làm người ta không ngờ những nơi bình dị mắt ta quen nhìn hàng ngày lại có thể đẹp một cách giản dị mà mãnh liệt đến thế.


Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết : "Hà Nội rất hội họa ở nhũng phố phường xưa. Và có thể nói công bằng, theo cách của nghệ thuật rằng Bùi Xuân Phái đã phát hiện ra nó. Là người Hà Nội, hình tượng được sinh ra là để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới hình thể và màu sắc của riêng đây.

"Phố Phái" là phố của chung tất cả mọi người, ông chỉ là người phát hiện ra nó – người đầu tiên và sau ông, hình như vẫn chưa có ai, dù đã có rất nhiều họa sĩ mê say đi tìm vẻ đẹp nơi rêu phong phố cổ".

Một mảng tranh nữa mà Bùi Xuân Phái cũng được coi là người độc quyền – mảng chèo – cũng không thể biết được ông đã vẽ bao nhiêu bức chèo lớn và nhỏ. Bớt trầm tư, cô tịch hơn mảng tranh phố, những bức chèo của Bùi Xuân Phái chứa đựng cái thẩm mỹ dân gian hóm hỉnh của làng xã Việt Nam.


Những hề say, hề gậy, những đào lệch, đào thương… được làm sống động bằng một ngôn ngữ hội họa cũng nôm na, ước lệ như diễn xuất chèo.

Các nhà phê bình cho rằng ứng xử thẩm mỹ của Bùi Xuân Phái với cái sân khấu chèo của mình là thân thiện và nhân tình. ông tự nhập thể vào cuộc hội hè với những âm thanh và nhịp điệu của làng xã Việt Nam với ý thức khám phá thêm một sắc màu hội họa dân tộc.

Bùi Xuân Phái còn có những bức thật đẹp về nhiều miền khác nhau của Tổ quốc : Mỏ than, Xúc than vào lò, Phân xưởng nhuộm, Hòa Bình, Cát Bà, Cảng Đà Nẵng, phố cổ Hội An… Điều kỳ lạ là ông vẽ giản dị thế, mà người ta có thể nhìn mãi không biết chán những bức tranh của ông, dù một chủ đề, ông vẽ cả trăm, cả nghìn bức cũng vậy.

Người ta nhận ra ông, không thể lẫn với ai, ở từng nét vẽ, từng mảng màu. Những đường viền đậm đặc và run rẩy, những gam nâu, xám, những đốm đỏ, cam bất chợt rực cháy…đặc trưng của Bùi Xuân Phái luôn luôn làm người ta kinh ngạc vì sự đơn giản đến lạ lùng của nó.


Nhà họa sĩ hào phóng
Đây là nhận xét của một người từng được Bùi Xuân Phái tặng tranh. Người này đã nói đại ý rằng, mặc dù Bùi Xuân Phái qua đời đã lâu, song ông vẫn còn "nuôi" bao bạn bè bằng những bức tranh mà ông tặng họ.

Ông cho biết, ông đã mua cho con trai ông một căn buồng nhờ tiền tranh của Bùi Xuân Phái. Bùi Xuân Phái là người hào phóng. Quý bạn quý bè, ông rất hay cho tranh.

Chuyện kể rằng, Bùi Xuân Phái vẽ tranh trên bất cứ chất liệu gì ông có trong tay, từ giấy báo đến vỏ bao thuốc lá, thậm chí là vỏ bao diêm. Vẽ xong, ông nhét vào khe tủ. Bạn bè đến chơi, hứng lên, ông lấy ra, hỏi bạn: "Thích không, cho đấy".

Có lần, trước các bạn bè văn nghệ ở quán Cà phê Lâm, Bùi Xuân Phái đã trổ tài dùng bút mực và cà phê đen vẽ chân dung một cô gái. Hôm đó, ông vẽ được cả thảy 30 bức. Ông hào phóng tặng mọi người những bức chân dung đó. Cô người mẫu được cho chọn trước 5 bức. Dịch giả Dương Tường được tặng nhiều nhất, tới 12 bức.

Thanh đạm và ...Thanh thản


Nhiều năm trong đời, Bùi Xuân Phái gắn bó với ngôi nhà số 87 phố Thuốc Bắc, một ngôi nhà mà theo mô tả của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng thì "căn phòng chật hẹp và tối ngay cả khi ngoài trời đang nắng chang chang".

Nói chung, cuộc sống của Bùi Xuân Phái, cho tới những năm cuối đời vẫn đạm bạc. Ông Bùi Thanh Phương (con Bùi Xuân Phái) từng kể, suốt mấy chục năm, như đã thành thông lệ, hễ tết đến là nhà văn Nguyễn Tuân luôn có quà sêu tết cho Bùi Xuân Phái, khi thì cân giò, khi thì cân thịt bò, khi thì con cá chép và "gia đình tôi trong mấy thập niên đó, có một cái tết ra trò hay không một phần cũng trông chờ vào quà sêu tết của nhà văn Nguyễn Tuân".
 Mặc dù cuộc sống thanh đạm vậy, song với những người thân trong gia đình Bùi Xuân Phái, chưa khi nào họ thấy ông thể hiện máu mê tiền bạc.

                         Có lần Bùi Thanh Phương đã hỏi cha: "Hình ảnh tệ nhất của người nghệ sĩ là gì?". Bùi Xuân Phái trả lời ngay: "Đó là hình ảnh anh ta ngồi đếm tiền".

Theo Bùi Thanh Phương thì cha mình rất ý tứ chuyện tiền nong: "Khi giở ví để thanh toán tiền cho ai đó, cụ thường giấu ví tiền xuống gầm bàn mà đếm, vẻ mặt hết sức bối rối".

Những ngày còn lại của cuộc đời, Bùi Xuân Phái hối hả vẽ. Ông sai con trai hạ hàng loạt tranh xuống sửa sang, vẽ thêm, và một số bức bị ông xóa sạch. Ông vẽ lại tất cả những gì chợt hiện ra trong ký ức mình: phố, hoa, những đứa con ở xa, và người vợ hiền tần tảo…

Mùa hạ, trước khi vào bệnh viện, ông còn cố vẽ phố Nhà Thờ, phố Nhà Hỏa, hai con phố nhỏ gần nhà ngập trong nắng, rất đẹp và sáng sủa. Bệnh dập ông chỉ trong hai tháng. Ông than mệt nhiều, trước khi đi mười ngày ông bị mất tiếng, không nói được, muốn diễn đạt gì phải viết ra giấy.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương kể: "Gia đình cố dấu ông về bệnh tật, nhưng tôi lại có cảm giác là bố tôi lại cố đóng vai vui vẻ, như thể ông không biết gì, để mẹ và chúng tôi không đau lòng thêm.

Ông đã đón đợi cái chết một cách bình thản nhất." Trên giường bệnh, ông vẽ bức tự họa cuối cùng: gương mặt gầy hốc hác, chỉ có đôi mắt ngùn ngụt sáng – "trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ là chậm. Nhất là đêm gần về sáng"- đó là những dòng nhật ký cuối cùng ghi bằng nét bút máy run run dưới góc bức tranh.

Ngày 24/6/1988, trái tim họa sĩ Bùi Xuân Phái đập những nhịp đập cuối cùng…

(TH)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã comment. Rất mong sẽ nhận được nhiều đóng góp cho blog của chúng tôi !