Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Những tác phẩm điêu khắc của Giacometti giá hàng triệu Đô-la


Đi tìm những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử và giá trị thương mại từ các tác phẩm điêu khắc của Giacometti, để trả lời câu hỏi tại sao giới kinh doanh có thể đẩy giá tượng điêu khắc lên đến khủng khiếp hơn trăm triệu đô la Mỹ, điều chưa từng có tiền lệ và chỉ xảy ra với các tác phẩm hội họa. Giới tinh hoa về học thuật thì nghĩ gì, nói gì về điêu khắc của Giacometti. Câu trả lời này có thể chưa đầy đủ, nhưng hy vọng sẽ thổi niềm tin vào thị trường tượng điêu khắc Việt Nam.
Để bạn đọc dễ tiếp cận, bài viết này sẽ chia ra ba phần:
 Phần 1. Quá trình phát triển nghệ thuật của Giacometti;
 Phần 2: Năng đoạn kim cương – Sự gieo mầm nghệ thuật hàng trăm năm để có một Giacometti;
 Phần 3. Cảm nhận về một vài tác phẩm điêu khắc của nghệ sỹ Việt có phong cách tương đồng Giacometti.
Sự nghiệp nghệ thuật của Giacometti (1901-1966) gói trong bốn giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên từ độ tuổi 20. Giacometti đã bắt đầu cái đam mê, sáng tạo của mình bằng việc tham gia vào trào lưu mỹ thuật Fauvism và Matisse chính là hoạ sỹ tiên phong của trào lưu. Một bức vẽ của Giacometti đang quỳ gối trước tác phẩm, có lẽ ông đang biểu cảm tâm tư ngưỡng vọng trước trào lưu nghệ thuật này hơn cả bản thân mình (trích lời bình từ
 www.wolrdpress.com).


Chân dung Giacometti, sơn dầu, 1921

1925, năm Giacometti ngừng vẽ, chuyển sang điêu khắc cũng như chính thức rời khỏi trào lưu Fauvism. Ông thử nghiệm khả năng điêu khắc của mình ban đầu với phong cách nghệ thuật lập thể - Cubism. Với cách điêu khắc những motif thể hiện tối giản hay nguyên thủy (a primitive style) các điêu khắc thể hiện là những tấm phẳng, sau đó tiếp tục thể hiện ở dạng khối đặc và thẳng đứng. Tháng 11 năm 1925 Giacometti lần đầu tiên có hai tác phẩm điêu khắc được triển lãm tại Salon des Tuileries: “Head” và phiên bản đầu tiên của “Torso”, chính thức đánh dấu sự chuyển sang trường phái lập thể của ông.
Sang năm 1926 Giacometti đi sâu vào trường phái lập thể và nghệ thuật thổ dân, để từ đó tạo nên tác phẩm khẳng định tên tuổi ông đó là “Spoon Woman” vào mùa đông năm 1926.Tác phẩm "Spoon Woman" là một điển hình về cảm hứng của Giacometti theo phong cách Cubist-Style lấy cái thìa làm hình dạng người đàn bà với hình bầu dục như vô cực và các biểu tượng về sự sinh nở trong cổ đại. Hình dạng nở ra rồi lại co rút lại tạo nên cảm giác căng thẳng, kỳ bí.
Torso, đồng, 1925

Spoon Woman, đồng, cao 44 cm, 1926
Những năm đầu điêu khắc, Giacometti luôn gặp thất bại khi lấy những hình tượng trong cuộc sống để làm nguồn cảm hứng sáng tạo, chính ông nói điều nay. Trong nỗi tuyệt vọng, người nghệ sỹ bắt đầu sáng tạo các tác phẩm từ những ghi nhớ trong tiềm thức. Kết quả đến 1928, tác phẩm điêu khắc tên Gazing head (1928) hoàn thành, khi lần đầu tiên được trưng bày tại Salon des Indépendents, Paris năm 1929 đã thu hút ngay lập tức được sự chú ý của những người theo trường phái Siêu thực và những nhà văn hoá. Giacometti được đẩy lên tầm của những người tiên phong. Gazing Head là khuôn mặt phẳng của cái đầu của cha Giacometti, một biểu đạt mơ hồ hư hư, thực thực. Ông có cơ hội để kết thân với những nghệ sỹ, hoạ sỹ nổi tiếng như Joan Miró, Max Ernst, Jean Lurcat và Pablo Picasso cùng với những người viết có tiếng về Siêu thực như Louis Arogon và Georges Bataille. Được nhà phê bình mỹ thuật Carl Einstein gợi ý, nhà thơ và là dân tộc chủ nghĩa Michel Leiris xuất bản bài luận về Giacometti trong tạp chí của Bataille. Liền sau đó các tác phẩm của ông được triển lãm tại triển lãm đầy tham vọng tầm quốc tế tại Pháp, tại Thuỵ sỹ. Danh tiếng Giacometti nổi lên, đã đem đến cho ông cơ hội được thực hiện các đơn hàng trang trí cho nhà ngân hàng danh tiếng Piere David-Weill, đồng thời cũng là nhà sản xuất vũ khí bằng đồng lớn thời đó.Theo bình luận từ trang www.thecityreview.com thì đây chính là điểm khởi đầu cho sự thành công của ông sau này. 
Gazing Head, thạch cao, cao 39 cm, 1928

Năm 1930-1931 tác phẩm điêu khắc Suspended Ballđược sáng tác rồi trưng bày ở triển lãm mang tên “Miró-Arp-Giacometti” tại Galerie Pierre, ngay lập tức André Breton người dẫn dắt nhóm theo trường phái Siêu thực đã mời Giacometti gia nhập nhóm. Giacometti đã gia nhập nhóm với các hoạt động nghệ thuật diễn ra trong các năm 1931/32 kéo dài đến năm 1933, nhưng chưa bao giờ ông chấp nhận một cách hoàn toàn với học thuyết do Breton xây dựng nên.
Về tác phẩm Suspended Ball, hình tượng quả cầu bị treo lơ lửng, mắc kẹt trong cái lồng, nằm ngay trên một vật bí ẩn, tất cả đều chứng minh những biểu cảm khiêu dâm và gợi tình mà nhóm nghệ sỹ Siêu thực-Surrealist yêu thích. Lúc đó hoạ sỹ nổi tiếng vẽ siêu thực là Salvador Dalí cũng đã viết một bài báo cho tạp chí của Breton về những vật thể Siêu thực dựa vào sự ngưỡng vọng của ông dành cho tác phẩm điêu khắc Suspended Ball của Giacometti. Các nhà phê bình ngay sau triển lãm đã đánh giá các vật thể trong tác phẩm điêu khắc của Giacometti thật khó hiểu bởi vì chúng dường như gợi nên một hành động tình dục, không rõ vật thể nào là nam,vật thể nào là nữ. Sự khó hiểu dễ gây nhầm lẫn này giống như làn ranh giữa sự xác định và sự vô định.

Suspended Ball ,1930-1931
1933 cha của Giacometti mất, sau đám tang, ông bị ốm và ở cùng mẹ cho đến tận đầu năm 1934, trong thời gian này, ông không còn bị sức ép từ những công việc sáng tạo theo phong cách siêu thực hàng ngày nữa. 1934, Giacometti chính thức từ bỏ phong cách nghệ thuật siêu thực và rời khỏi nhóm Siêu thực. Sự kiện này được khẳng định bằng tác phẩm điêu khắc có tên Hands Holding the Void (Invisible Object). Giới phê bình đánh giá đây là một tượng đài về người cha của Giacometti, cũng là một nghệ sỹ, người không chấp nhận lối trừu tượng mà Giacometti theo đuổi. Tác phẩm này theo đánh giá trên trang www.radford.edu là sự thăng hoa trong tưởng tượng của Giacometti về những hành động bạo lực, đặc biệt là những tưởng tượng đầy tham vọng, bị xáo trộn với những cảm giác ân hận diễn ra trong ông sau khi cha của Giacometti chết.Còn trên trang www.thestoryofart.com bình luận rằng, bức tượng là một tượng đài về người cha đã chết, người đang cố nắm bắt lấy cái mà theo nhà phê bình nghệ thuật Carl Einstein gọi là "chủ nghĩa hiện thực siêu hình - metaphysical realism". Tác phẩm chính là sự kết hợp của những biểu tượng tối giản từ thời nguyên thuỷ với biểu tượng linh hồn từ Ai Cập cổ đại gọi là kâ.
Hands Holding the Void (Invisible Object), đồng, 1933-1934

Có thể tóm lược về quá trình sáng tạo trong điêu khắc của Giacometti đầu những năm 1930s: các tác phẩm siêu thực là những sáng tạo quan trọng nhất xây dựng nên hình ảnh một nghệ sỹ tài ba Giacometti. Giacometti trong một nỗ lực để khám phá các chủ đề có nguồn gốc từ phân tâm học Freud (Học thuyết về phân tâm học của Sigmund Freud, ông của họa sỹ Luciand Freud), như tình dục, nỗi ám ảnh và chấn thương, ông đã phát triển một loạt các vật thể điêu khắc khác nhau. Một số bị ảnh hưởng bởi những biểu tượng từ thời nguyên thủy, nhưng có lẽ nổi bật nhất là những hình ảnh người giống với trò chơi, đồ chơi và các mô hình kiến ​​trúc. Các tác phẩm điêu khắc của Giacometti giai đoạn này như thúc đẩy người xem tiến tới những tương tác thể chất trong với nhau, đây là ý tưởng rất được cổ vũ vào những năm này.
Giai đoạn phát triển sáng tạo thứ hai của Giacometti bắt đầu diễn ra vào cuối những năm 1930s
Thời gian này ông dành thời gian để nghiên cứu và copy theo phong cách Cézane và nghệ thuật Ai cập cổ. Ông thường gặp gỡ danh hoạ Picasso tại studio Guernica trên đường des Grands-Augustins. Ông còn nghiên cứu chủ nghĩa Hiện thực hiện tượng- Phenomenological realism và thể hiện bằng các bức vẽ.Tháng 10 năm 1938 bị một tai nạn giao thông tại Palce des Pyramides, Giacometti phải nằm viện điều trị, trong thời gian này hình ảnh chiếc xe đẩy chở các khay thuốc trong bệnh viện đã đưa ông đến ý tưởng điêu khắc “The Chariot” tức là những bức tượng nhỏ đặt trên xe đẩy.

Woman with Chariot (1942-1943)

Giacometti sau khi từ bỏ việc theo đuổi phong cách trừu tượng và siêu thực, ông bắt đầu quan tâm đến việc làm thế nào để biểu hiện hình tượng con người trong một ảo ảnh đầy thuyết phục về không gian thực. Các nhân vật phải được thể hiện theo một cách để nắm bắt đượctrong một khoảng cách không gian rõ ràng, để chúng ta, với tư cách là người xem, có thể chia sẻ cảm giác cùng người nghệ sĩ về những xung đột trong cảm xúc vượt ra ngoài cái vóc dáng bé nhỏ của tác phẩm điêu khắc. Một tư duy sáng tạo điêu khắc mới ông đã chọn để biểu đạt xúc cảm, khi Giacometti thu nhỏ các nhân vật điêu khắc xuống một tỉ lệ mỏng nhất có thể bắt đầu hình thành. Đến khoảng những năm 1939-1941 Giacometti bắt đầu điêu khắc những bức tượng người nhỏ, bị kéo dài, có kích thước nhỏ đến lạ thường được đặt trên những chiếc bệ nhỏ.

Tượng điêu khắc cực nhỏ, cao khoảng 3 cm (1944-1945)

Chiến tranh 1941-1944, Giacometti ở Geneva, ông kết thân với những người bạn mới là nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà triết học trong thị trấn. Ông có thời gian để suy ngẫm, tìm tòi và khoảng thời gian này đã giúp Giacometti tìm ra ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình thời hậu chiến.
Giai đoạn phát triển sáng tạo thứ ba của Giacometti, ông đã chính thức tạo lập phong cách nghệ thuật của riêng mình được gọi là Giacometti Style. Phong cách được ghi nhận bằng nghệ thuật tạo hìnhvới hình tượng con người trong một không gian thực biểu đạt cực kỳ mạnh mẽ những âm điệu của u sầu, xa lánh và cô đơn. Một concept mới với những người phụ nữ đứng trong dáng dấp khổ hạnh thầy tu, những người đàn ông lướt ngang giống chữ tượng hình, tất cả được điêu khắc với hình khối như những cây gậy, và đó được gọi là phong cách Giacometti. Điều này được khẳng định trong bức thư tự chuyện dài tám trang của Giacometti viết vào cuối năm 1947.
Pierre Matisse là cháu của danh hoạ Matisse, chủ gallery Pierre Matisse Gallery tại New York đã hợp tác với Giacometti để triển lãm lần đầu tiên tại New York. Công việc chuẩn bị không hề đơn giản Pierre đã phải giúp Giacometti chuyển các tác phẩm điêu khắc sang chất liệu đồng, tìm kiếm nhiếp ảnh gia Patricia Echaurren Matta (sau này trở thành bà Matisse) chụp hình, Satre viết bài tiêu đề “Tìm kiếm cái tuyệt đối – Search for the Absolute”, trong đó chính Giacometti cũng phải viết về quá trình sáng tác của mình. Ngày 19 tháng Giêng đến 14 tháng Hai năm 1948 triển lãm Giacometti đã diễn ra lần đầu tại New York, báo hiệu sự nổi lên của Giacometti thời hậu chiến với “City Square” là một seri những sáng tác làm nên tên tuổi ông.“Các nhân vật trong điêu khắc của Giacometti rất mỏng manh, tinh tế tạo sự căng thẳng tương phản bởi cái bệ đỡ dày, chúng phản ánh hiện trạng con người trong xã hội dễ bị lấy đi phẩm giá, dễ bị tổn thương và mắc sai lầm.” đó là lời trích trong catalogue triển lãm của Giacometti.

Citi Square, 1948
Man Falling, 1950

Tác phẩm Man Falling, được đánh giá là một tác phẩm năng động bất thường của năm 1950. Thậm chí những người theo chủ nghĩa Existentialism đánh giá tác phẩm thời hậu chiến của Giacometti như là thuốc giải độc, nó được coi là nguyên liệu cơ bản, cốt lõi, thiết yếu cho con người.
Tên tuổi Giacometti nổi lên khắp các gallery, nhà môi giới, sàn đấu giá tại tại Paris, nhà Môi giới nghệ thuật – Art Dealer Pierre Loeb trở thành người chiếm ưu thế để tiếp tục thúc đẩy nghệ sỹ phát triển điêu khắc. Ngày 19 tháng 7 năm này, Annette kết hôn với Giacometti. Giacometti đi tìm gặp hoạ sỹ Matisse, hoạ sỹ Picasso để học hỏi, nhưng có một điều đáng tiếc là mối quan hệ bạn bè giữa Picasso và Giacometti đã bị chấm dứt bởi những hiểu lầm ngu ngốc vào năm 1951. Trong giai đoạn này, một trong những tác phẩm để lại dấu ấn mạnh mẽ cho giới mỹ thuật và giới kinh doanh nghệ thuật của Giacommeti đó chính là tác phẩm Chariot, 1950, tác phẩm nghệ thuật này đã được đấu giá ở mức cao nhất mọi thời đại dành cho một bức tượng, giá 101 triệu đô la Mỹ vào năm 2014 tại nhà đấu giá Sotheby’s. Sau đó một năm tác phẩm The Man Pointing, 1947 còn lập mốc kỷ lục mới, 126 triệu đô la.

Chariot, 1950

Giai đoạn cuối cùng từ năm 1950s trở đi. Giacometti quyết định chấm dứt làm những tác phẩm mỏng manh quá mức. Ông quyết hướng đi mới trong điêu khắc với khởi đầu là tượng em trai Diego. Ông muốn đẩy mình đi đến tột cùng của hiện thực trong điêu khắc để lần nữa tạo dựng tượng đài Giacometti.
Bust of Diego, 1959


Diego, bản vẽ trên giấy

Ông làm những tác phẩm điêu khắc có kích thước lớn hơn. Những nhân vật được ông lấy làm mẫu điêu khắc xoay quanh Annette vợ ông, Diego em trai và giáo sư triết học người Nhật Yanaihara (hai người bắt đầu kết thân từ năm 1955).
Việc quay trở lại vẽ hiện thực chân dung được đánh giá là giai đoạn Giacometti nỗ lực tột cùng phối trộn giữa tiềm thức và hiện thực cuộc sống để đẩy vào tác phẩm điêu khắc.

Chân dung Annette
Bust of Annette, 1962-1963

Giacometti vẽ nhiều tranh phong cảnh vùng Stampa quê hương và ông cũng vẽ rất nhiều chân dung Annette, Diego, Yanaihara. Một cô gái ông gặp một ở quán bar tên Caroline cũng là đề tài ông vẽ suốt những năm 1960-1965. Vào năm 1954, ông thường xuyên đến thăm hoạ sỹ Matisse và vẽ rất nhiều chân dung Matisse, cho đến tận ngày Matisse mất 30/7/1954.
Đây là giai đoạn danh tiếng của Giacometti ảnh hưởng rất nhiều đến thế giới nghệ thuật. Cùng thời gian này những nghệ sỹ trẻ ở Mỹ, Châu Âu cũng nổi lên với phong cách vẽ Abstarct như Jackson Pollock, De Kooning,… được giới phê bình, văn hoá, các nhà môi giới nghệ thuật, các bảo tàng, các triển lãm lớn cổ vũ. Tài phiệt ngành thép của Mỹ là G. David Thompson người sưu tập rất nhiều tác phẩm của Giacometti đã trải qua gần năm năm đàm phán với Giacometti để thành lập Alberto Giacometti Foundation vào năm 1965.
Giai đoạn này các bức tượng của Giacometti được nâng chiều cao lên đến hơn 1 mét, được trưng bày ở nhiều triển lãm nghệ thuật danh tiếng nhất thế giới từ Mỹ tới Pháp, London. Người Nhật cũng đã được khai sáng về thế giới nghệ thuật của Giacometti bởi các bài báo và sách được viết bởi giáo sư triết học Yanaihara từ những năm 1958, người đã kết thân với Giacometti từ 1955.
Sự giàu có chỉ đến thực sự với Giacometti bắt đầu vào năm 1957 năm ông 56 tuổi là nhờ hai nhà Môi giới Nghệ thuật – Art Dealer: Piere Matisse tại New York và Aimé Maeght tại Paris. Hai nhà môi giới đã chuyển vô số tác phẩm của Giacometti sang chất liệu đồng và môi giới cho rất nhiều nhà sưu tập, viện bảo tàng, quỹ nghệ thuật. Lúc này Giacometti mới thực sự nổi danh không phải bởi là một nhà điêu khắc danh tiếng mà là nghệ sỹ có giá tác phẩm rất đắt. Và một vinh dự lớn tạo nên danh tiếng khi Giacometti cùng vợ Annet, nhà Môi giới Nghệ thuật Pierre Matisse cùng đi với Nữ Hoàng Elizabeth đến New York từ 1-6/10/1965.
Ở đỉnh cao của danh tiếng và tiền bạc, Giacometti vẫn duy trì những thói quen cũ, thậm chí còn làm việc nhiều hơn, bữa ăn đầu tiên trong ngày của ông là trước nửa đêm và luôn có trứng luộc cùng nhiều ly café. Các nhà hàng danh tiếng khu vực Rue d’Alésia và RueDidot luôn phục vụ ông café: Café-Tabac Le Gaulois vào đầu giờ trưa, La Coupole luôn đặt sẵn cho ông một bàn vào lúc đêm. Chính sự lao động quá sức của Giacometti giai đoạn này đã làm ông kiệt sức và dẫn đến căn bệnh dạ dày lúc cuối đời vào ngày 11/1/1966.
Xuyên suốt cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Giacometti, chúng ta đã có thể nắm bắt được những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử từ các tác phẩm điêu khắc của ông. Từ đó có thể hiểu một phần tại sao các nhà sưu tập sẵn sàng trả từ vài triệu đến trăm triệu đô la Mỹ để sở hữu một tác phẩm của ông. Vậy Giacometti là một hiện tượng mang tính đột biến hay là sự kế thừa, lời giải sẽ được trả lời trong phần hai của bài viết này.
P/s: Tôi viết bài này dành tặng cho con trai James Nguyễn nhân ngày sinh nhật 14/7, người đã giúp tôi nhiều trong các công việc liên quan đến nghệ thuật.
(Hà Nội, 14/7/2017, Philip Nguyễn Đức Tiến)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã comment. Rất mong sẽ nhận được nhiều đóng góp cho blog của chúng tôi !